Theo sử sách, Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), tính đến nay đã 387 năm. Những bậc cao niên trong làng kể: Người dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề đi biển.

Cảnh Dương được xem là vùng đất còn lưu giữ được nhiều di tích, như là chứng tích hàng mấy trăm năm khai ấp lập làng. Nổi bật là đình thờ tổ, nơi thờ các bậc thành hoàng đã có công khai khẩn vùng đất này. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình làng vẫn còn giữ được một số hiện vật quý giá như chuông cổ “Cảnh viện hồng chung”, đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801. 

Bên cạnh đó, còn có tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng; chứng tỏ Cảnh Dương xưa là một ngôi làng có truyền thống hiếu học, khoa cử. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là “làng chiến đấu kiểu mẫu”; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

canh4-1645004168.jpg
Một góc làng Cảnh Dương trên con đường bích họa

Có lẽ, địa thế “đứng nơi đầu sóng gió” đã hun đúc, trui rèn nên những con người can trường, khí khái. Ông Nguyễn Văn Biểu, thủ từ đình thờ tổ ở Cảnh Dương tự hào: 24 năm sau khi thành lập làng, tức là năm 1667, ngôi đình tổ được xây dựng. Từ đó cho đến nay, đình tổ luôn là một dấu ấn tâm linh trong lòng những người con Cảnh Dương.

Bao đời nay, Cảnh Dương là vùng đất thuần ngư. Mờ sáng, những thuyền cá trở về sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, với đủ loại hải sản tươi rói trong khoang. Trên bến dưới thuyền, chợ cá Cảnh Dương cũng vì thế mà luôn tấp nập, đông vui. Trong vị mặn mòi của biển cả, một ngày ở làng Cảnh Dương thường bắt đầu với những điều bình dị như thế.

Nghề làm nước mắm nơi đây cũng là nghề truyền nối, đã từng có nước mắm Hàm Hương để tiến vua. Loại cá để làm nước mắm Hàm Hương có màu hồng trong suốt, hằng năm chỉ xuất hiện trên vùng biển cửa song Roòn vài tháng. Đánh bắt được cá Hàm Hương đã khó, việc chế biến thành nước mắm lại càng công phu. Chỉ những người có tay nghề thành thạo mới chế biến được thứ mắm nức tiếng để mang đi cống ngự. Những trầm tích văn hóa ở Cảnh Dương, xét về một phương diện nào đó cũng là trầm tích của nghề làm nước mắm ở mảnh đất này.

Cuộc sống nơi làng biển bao năm qua đã yên bình, giản dị như vậy. Người lên tàu ra khơi, kẻ ở nhà đan lưới, làm mắm, đóng thuyền. Những người con của Cảnh Dương qua bao sóng gió vẫn giữ làng, giữ biển, giữ cho mình lối sống mộc mạc, chân phương mà không kém phần đằm thắm, lắng sâu.