Cách Hà Nội khoảng 100km theo hướng Quốc lộc 06, đền Mẫu Linh Sơn Ngọc nằm giữa chốn núi rừng đầy mộng mơ, tọa lạc tại khu dân cư Vôi - Thị trấn Ba Hàng Đồi - Huyện Lạc Thủy – Tỉnh Hòa Bình. Ghé thăm đền Mẫu chúng tôi được thủ nhang ngôi đền là nghệ nhân đồng thầy Nguyễn Mạnh Tuấn giới thiệu về đền Mẫu Linh Sơn Ngọc, tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, nét văn hóa và các hiện vật đặc trưng của người Mường tại Hòa Bình.

Đền Mẫu Linh Sơn Ngọc nằm giữa chốn núi rừng đầy mộng mơ

 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 đời là thanh đồng, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn đã bén duyên với đạo Mẫu từ lúc còn nhỏ tuổi, sau khi tham gia quân ngũ 13 năm trở về quê hương, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn cùng mẹ đẻ gìn giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu tại bản đền, kế thừa rồi trở thành thủ nhang của ngôi đền cho đến nay.

Đền Mẫu Linh Sơn Ngọc được xây dựng từ năm 1983 với tâm huyết của bốn thế hệ trong gia đình và mọi người trong dòng họ Nguyễn, họ Dư. Ngôi đền được tọa lạc trên một ngọn núi có hang động mà thiên nhiên tự tạo với vẻ đẹp kỳ bí. Tại đây, đền thờ tam tòa Thánh Mẫu, thờ Bà Chúa tài lộc, tứ bất tử Việt Nam, đặc biệt phối thờ Chúa Mường, Chúa Mán theo lối đặc trưng riêng của Tín ngưỡng thờ Mẫu xứ Mường Hòa Bình.

Tham quan đền Mẫu Linh Sơn Ngọc, du khách sẽ thấy sự bày trí trang nghiêm, uy linh của các ban thờ. Về kiến trúc và không gian dường như mọi thứ còn đơn sơ nhưng lại toát lên sự ấm ấp, gần gũi đến kỳ lạ, có lẽ do được sự trở che, bao bọc của Thánh Mẫu và các hội đồng thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ dân gian Việt Nam hay thường ngự về. Lý do về sự đơn điệu của ngôi đền, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ “Do mọi thứ trong ngôi đền đều do các thế hệ trong gia đình trùng tu, tôn tạo nên kinh phí còn hạn chế, khí hậu gần rừng núi nên đồ thờ dễ ẩm mốc hỏng hóc, gia đình vừa trông nom đền vừa tôn tạo hằng năm để đáp ứng nhu cầu hành hương lễ Mẫu của con nhang phật tử và du khách thập phương”.

Không gian đền toát lên sự ấm ám, gần gũi

 

Điểm kỳ lạ khó giải thích, từ khi tôn tạo đền đến nay có rất nhiều trăn rắn có màu sắc to nhỏ khác nhau về ngự tại đền không di chuyển đi nơi khác. Đặc biệt năm 2012 cho đến nay tại đền Mẫu Linh Sơn Ngọc bất ngờ xuất hiện một con trăn lớn từ đâu bò về nằm dưới chân ban thờ thánh Mẫu. Kỳ lạ thay, chú trăn này rất thân thiện, hiền lành không làm hại bất kỳ một ai, dù là người lạ lần đầu tiên đặt chân đến đây.

Trong khoa học, trăn là tên gọi thông dụng tại Việt Nam, dùng để gọi một số loài rắn lớn, như vậy, con trăn tại đền Mẫu Linh Sơn Ngọc được hiểu như con rắn mà ta vẫn thường thấy được bày trí trên các thân xà trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ. Theo nhiều nghiên cứu cho biết, việc thờ rắn còn thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, hình tượng đó được thể hiện trong các phủ, miếu. Hình tượng rắn được thể hiện trên các thân xà với 2 ý nghĩa:

Thứ nhất: Rắn đồng thời là vị thần cai quản các miền thiên giới thượng ngàn cùng với các vị Mẫu.

Thứ hai: Thần rắn đồng thời là sự hiện diện chức năng và thiên chức của các vị Mẫu là sinh tạo ra thế giới và cai quản thế giới, là nguồn tài lộc ban phát cho muôn loài, dân sinh. 

Bên cạnh tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ, du khách và phật tử còn được tìm hiểu tại đây về các nhạc cụ của bộ môn văn hóa hát chầu văn, hầu đồng. Tìm hiểu về trang phục, trang sức đi kèm của 36 giá đồng, những sự tích, truyền thuyết và lịch sử tương ứng với 36 vị thần được hình tượng hóa, những nhân vật anh hùng có thật trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Hát chầu đồng, hầu đồng không thể thiếu tại Đền Mẫu Linh Sơn Ngọc

Khu trưng bày không gian văn hóa Mường Hòa Bình

 

Trong khuôn viên đền, có khu trưng bày không gian văn hóa Mường Hòa Bình, là các hiện vật như trang phục thổ cẩm truyền thống người Mường, nhà sàn Mường, bếp Mường, bát đĩa cổ, các vật dụng thường dùng trong lao động sản xuất, từ vật dụng bằng đá đến mây tre đan thủ công, cho đến các nhạc cụ cồng chiêng dân tộc người Mường… Tại không gian nhỏ này như tái hiện lại cuộc sống của người Mường xưa và nay, khiến cho những du khách, đặc biệt là những du khách ưa khám phá, nghiên cứu văn hóa lịch sử dân tộc vô cùng thích thú.

Hang động Lưu Ly Điện

 

Tọa lạc trên sườn núi, dưới những tán cây xanh mướt, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, trong hành trình khám phá đền Mẫu Linh Sơn Ngọc sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua hang động nhỏ có tên gọi Lưu Ly Điện. Phía trong hang có một ban thờ là nơi các phật tử thành tâm kính lễ, xung quanh hang động là những thạch nhũ kỳ ảo được tự tạo theo thời gian bởi đá, nước và gió, hàng năm nước dâng tẩy uế hang động vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, phật tử và du khách thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau từ nhũ đá vô cùng đa dạng, hang động còn nguyên sơ, trầm mặc trong khuôn viên đền Mẫu Linh Sơn Ngọc.

Đền Mẫu Linh Sơn Ngọc được công nhận là đền thờ có giá trị văn hóa tâm linh của người Việt

 

Trải qua gần 40 năm tuổi đền, chứng kiến bao sự đổi thay về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là tín ngưỡng tâm linh của người Mường Hòa Bình, tấm lòng công đức, cúng tiến của phật tử, du khách gần xa và đóng góp của 4 thế hệ trong gia đình xây dựng đền Mẫu Linh Sơn Ngọc vì sự nghiệp phụng sự thánh Mẫu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng tại nơi đây. Năm 2017 đền được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam chứng nhận Đền Mẫu Linh Sơn Ngọc là đền thờ có giá trị văn hóa tâm linh của người Việt.

PV