Lễ cầu an là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào Giáy, còn được biết đến với tên gọi Lễ múa kiếm (Lống ma shá); có từ lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ với các bài cúng được ghi chép trong sách cổ của thầy cúng người Giáy tại xã Nậm Ban. Lễ cầu an diễn ra vào nhiều dịp trong năm nhưng chủ yếu là vào đầu năm. Đây là dịp để mọi người khấn cầu thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản ấm no, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Lễ cầu an của dân tộc Giáy được chia làm bốn giai đoạn gồm: phần cúng dâng lễ, phần múa nghi lễ, phần hát múa truyền thống và cuối cùng là phần giao lưu sinh hoạt cộng đồng.

Vào ngày diễn ra Lễ cầu an, từ sáng sớm, mỗi gia đình đều cử người đến địa điểm tổ chức để cùng chuẩn bị cho buổi lễ. Thầy cúng và đội nghệ nhân múa thường có từ 10 - 14 người, bắt buộc phải mặc trang phục nam truyền thống của dân tộc Giáy. Lễ cầu an của người Giáy không đặt nặng về hình thức cũng như các lễ vật dâng lên thần linh, thường chỉ mang tính chất tượng trưng thể hiện thành ý của người làm lễ. Mâm cúng gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, hoa quả, chai rượu và vàng hương. Đến giờ làm lễ, thầy cúng yêu cầu đội múa kiếm xếp thành một hàng sau lưng và châm lửa đốt một bó hương thắp lên ban thờ cúng mời thần linh bốn phương về dự lễ. Đội múa cũng như những đạo cụ đều thắt một sợi vải màu đỏ.
Người Giáy cho rằng màu đỏ là màu của nghi lễ, biểu trưng cho sự may mắn, an lành. Do đó, những đạo cụ dùng trong điệu múa cũng được buộc một dây vải màu đỏ. Ngay sau lễ cúng chính kết thúc, những cô gái dân tộc Giáy thể hiện khả năng ca hát và múa những điệu múa truyền thống của dân tộc.
Sau khi kết thúc bài cúng báo cáo, cầu an và cảm tạ các thần linh, tổ tiên, đội múa kiếm được giao đạo cụ làm bằng gỗ, phỏng theo hình dáng của các loại vũ khí đồng bào Giáy từng sử dụng để thực hiện bài múa. Khi phần múa kiếm kết thúc, những thành viên trong bản cùng nhau thể hiện những bài hát ca ngợi thần linh, cảm tạ tổ tiên, hát đối đáp, giao duyên và những điệu múa truyền thống của đồng bào Giáy. Dân ca dân tộc Giáy rất phong phú về nội dung như: hát về tình yêu đôi lứa, về các loài hoa, đám cưới; hát bên mâm rượu, ca ngợi công đức cha ông, bố mẹ...
Thông qua lễ cúng, đồng bào Giáy gửi gắm ước vọng, cầu mong các thần linh phù hộ cho làng bản được yên bình, người dân được no ấm, không còn đói nghèo, bệnh tật. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần thượng võ, sự thôi thúc, cổ vũ cộng đồng cùng đoàn kết, quyết tâm đấu tranh bảo vệ làng bản.