Đài tưởng niệm trận Láng Le - Bàu Cò
Nhắc đến trận chống càn Láng Le - Bàu Cò vào ngày 15/4/1948, người dân ở Bình Chánh, Tân Bình, Đức Hòa, Bến Lức… vùng Trung Huyện - Chợ Lớn (cũ) vẫn không thể nào quên được. Đó là trận chiến oanh liệt, thể hiện tinh thần tự cường của nhân dân ta. Vào thời “Thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước”, thời của “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” ấy đã buộc ta phải chiến đấu chống trả trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Trận chống càn với 3.000 quân tinh nhuệ, thiện chiến của thực dân Pháp, có vũ khí tối tân, trực thăng, xe lội nước lội bùn, tàu chiến và súng đại bác,… Trong khi vũ khí của chúng ta chỉ có súng trường, súng lửa và một ít súng liên thanh cỡ nhỏ chẳng được bao nhiêu đạn. Riêng cán bộ chiến sĩ là thanh niên yêu nước vào bộ đội chưa được học hành, rèn luyện qua trường lớp bài bản. Chỉ có trái tim yêu nước rực lửa, với lòng căm thù Pháp xâm lược, quyết xông pha đi đánh giặc cứu nước. Vậy mà quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng vẻ vang. Trong trận Láng Le - Bàu Cò, ta đã tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống 30 lính đánh thuê, phá huỷ 05 xe nhà binh, thu 01 máy thông tin liên lạc cùng 85 khẩu súng các loại. Tuy nhiên 32 cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, 40 đồng chí khác bị thương, 17 đồng chí mất tích. Trong đó có nhiều đồng chí hy sinh khi tuổi còn rất trẻ như: liệt sĩ Nguyễn Văn Hạo, Tiểu đoàn trưởng Chi đội 15; liệt sĩ Nguyễn Văn Keo, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Ký Con thuộc Trung đoàn Phạm Hồng Thái…
Trận đánh đó có giá trị cho cả phía ta và phía địch. Phía ta mở đầu cho sự hiên ngang đứng lên, khí thế anh dũng dâng cao hừng hực. Phía địch lùi dần vào thế bãi bỏ chiến lược “Tốc chiến tốc thắng” và coi như sau trận Láng Le - Bàu Cò, những kế hoạch “3 tháng, 6 tháng, 18 tháng dẹp xong Việt Minh” bị thất bại.
Cũng trên vùng đất này, truyền thống yêu nước quyết chiến quyết thắng nối tiếp trong những năm chống Mỹ. Nơi đây vẫn là điểm nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng trong những ngày gian khổ đấu tranh chính trị chống Mỹ - ngụy. Sau phong trào Đồng Khởi 1960, Vườn Thơm - Bà Vụ, Láng Le - Bàu Cò là hậu cần, bàn đạp của lực lượng vũ trang giải phóng Long An - Sài Gòn - Gia Định, là gia đình của Tiểu đoàn 6, An ninh T4, các đơn vị biệt động Thành.
Nhà bia ghi danh các chiến sĩ hy sinh
Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, của Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Chánh anh hùng nói riêng. Chiến thắng ấy xứng đáng được ghi và trang sử vàng hào hùng của dân tộc. Để tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trên vùng đất này, từ năm 1988, Huyện ủy Bình Chánh đã quyết định xây dựng công trình lịch sử trên vùng đất Láng Le - Bàu Cò thuộc ấp 1, xã Tân Nhựt với tổng diện tích trên 1.000 mét vuông. Ngày 5/8/2003, Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò được UBND Tp.HCM công nhận là Di tích lịch sử cấp Thành phố.
Tân Nhựt, Láng Le - Bàu Cò hôm nay đã phủ đầy màu xanh của xã nông thôn mới đầy sức sống. Những vườn rau, cây cỏ mọc lên xanh mướt mắt, xa rồi cái thời u ám của chiến tranh. Nhà máy, xí nghiệp và những công trình cao tầng cũng mọc lên ngày một nhiều khẳng định sự phồn thịnh. Điều đó góp phần cùng huyện Bình Chánh phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo Nguyễn Hoàng Duy
"http://baodulich.net.vn/Khu-di-tich--Lang-Le---Bau-Co-15-22781.html"