Gọi là trống đôi vì trống luôn được diễn tấu theo cặp gồm trống đực và trống cái. Loại nhạc cụ này được dùng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’roi.
![]() |
Múa trống đôi độc đáo của người Chăm H’roi |
Trong những lễ hội quan trọng như đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe…, trống đôi là nhạc cụ đi liền với dàn cồng ba và chiêng năm được chủ thể văn hóa diễn tấu. Nghi thức này là sự khẩn cầu thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng thuần hậu về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh. Âm vang của tiếng trống còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa. Mặt khác, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.
Sự sáng tạo đặc biệt của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống trước hết là việc tạo ra âm thanh từ cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để vê, vuốt trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp chứ không bằng dụng cụ dùi hay đùi trống.
Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn cặp nhạc cụ này người ta còn thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Người diễn tấu đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay người chơi trống vỗ vào mặt trống liên hồi, hai người múa trống đôi cùng nhau phải tạo sự ăn í, nhịp nhàng. Trống nặng khoảng 4 kg nhưng người diễn tấu phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, nhún nhảy. Vì vậy, người diễn tấu ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, cần phải có sức khoẻ và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.
Đặc biệt, trong những lễ hội quan trọng của buôn làng, trống đôi còn được diễn tấu suốt đêm. Từng cặp thay phiên nhau diễn tấu. Cặp này mệt, cặp khác thay, cuộc “đấu trống” diễn ra suốt đêm.