Nhà thờ Cửa Bắc được Cha Xứ Cửa Bắc Antoine Depaulis khởi công xây dựng vào năm 1925 dưới thời Đức Cha Pierre Marie Gendreau Đông coi sóc giáo phận Hà Nội. Sau gần 5 năm xây dựng, ngôi thánh đường kế bên thành cổ Thăng Long do kiến trúc Ernest Hesbrard thiết kế được khánh thành ngày 1 tháng 2 năm 1931. Công trình là sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc Á và Âu, Đông và Tây, kim và cổ.
Khi hoàn thành, Nhà thờ dự tính lấy thánh hiệu kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuy nhiên, lúc đó 117 vị tử đạo tại Việt Nam mới chỉ được phong chân phước, vì thế Tòa Thánh đề nghị giáo phận Hà Nội đổi thánh hiệu thành Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.
Từ đó thánh hiệu “Nhà thờ Kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo” đã gắn bó với nhà thờ Cửa Bắc như một sự tri ân dành cho sáu Đấng Thánh chịu phúc tử đạo tại Hà Nội. Trong đó có cha Théophane Vénard (Thánh Ven), tử đạo năm 1861 tại Bốt Hàng Đậu cách Nhà thờ Cửa Bắc chưa đầy 400m.
Trước đó năm 1950, Đức Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê dâng giáo phận Hà Nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Sau đó, Tòa Thánh chuẩn nhận việc nhận Đức Mẹ là quan thầy của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, từ năm 1959 Nhà thờ Cửa Bắc có thêm tước hiệu là “Nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội”. Kể từ đó cho đến nay Giáo Xứ Cửa Bắc đều cử hành Thánh lễ Đức Mẹ Hà Nội vào ngày 02 tháng 07 hằng năm.
Cho tới nay, “Nhà thờ Cửa Bắc” vẫn là danh xưng mà người dân quen gọi nhất. Bởi lẽ, nhà thờ nằm ở ngã tư giao cắt đường Phan Đình Phùng với đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Biểu, phía bên đối diện phố Phan Đình Phùng là cửa Bắc thành Thăng Long. Tới nay, cửa thành vẫn tồn tại và trở thành một di tích biểu tượng đáng giá nhất nhì Hà Thành.
Được biết, kiến trúc sư thiết kế nhà thờ Cửa Bắc Ernest Hebrard cũng chính là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng ở Hà Nội như: Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam, Viện Pasteus nay là viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương.
Nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị. Được xây dựng từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước, qua những thăng trầm của thời gian và thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều đã làm bào mòn khiến nhiều hạng mục xuống cấp, hư hại nặng nề. Nhận thấy sự cấp bách đó ban lãnh đạo Nhà thờ và nhân dân giáo xứ đã xin Bề trên trùng tu và được chấp thuận.
Sau nhiều năm “thi thố cùng tuế nguyệt”, nhà thờ Cửa Bắc có dấu hiệu xuống cấp. Chính vì thế, tổng giáo phận Hà Nội đã tiến hành trung tu nhà thờ từ tháng 5 năm 2013. Việc sửa chữa được tiến hành khẩn trương và đảm bảo gần như nguyên trạng hình thái nhà thờ.Sau hơn một năm trùng tu, nhiều hạng mục tu bổ và tái tạo được hoàn thiện bao gồm: gia cố trát toàn bộ tường trong ngoài, phục chế và thay mới toàn bộ phần mái, quét sơn nhà thờ cả trong lẫn ngoài, thay thế toàn bộ hệ thống điện và âm thanh, đặc biệt là gian cung thánh đã hoàn thành trước dự kiến. Kể từ đó, nhà thờ Cửa Bắc trở lại với lớp áo màu vàng nguyên thủy càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của một công trình nằm giữa khu phố mới Hà Nội xưa.
Nhìn tổng thể Nhà thờ Cửa Bắc mang đậm dấu ấn giao thoa hài hòa kiến trúc Á Đông và Tây Âu. Bố cục nhà thờ được xây dựng theo bố cục chữ thập thời kỳ Phục Hưng. Kết cấu chịu lực của nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Ba-rốc. Tuy nhiên, toàn bộ mái ngói của Nhà thờ lại được thiết kế giống với mái ngói của Đền, Đình, Chùa truyền thống Việt Nam. Khoảng giữa mái thượng và mái hạ nguồn cung cấp ánh sáng và không khí cho nhà thờ.
Tháp chuông là điểm nhấn đặc biệt ấn tượng trong tổng quan kiến trúc của Nhà thờ. Tháp được thiết kế bất đối xứng lệch về một phía và gần như độc lập so với khối kết cấu nhà thờ. Điều này càng giúp cho nhà thờ có nét kiến trúc giống với các ngôi chùa truyền thống khi nhà chùa và bảo tháp xây dựng tách biệt nhau, tạo nên điểm khác biệt và mới lạ so với các nhà thờ khác tại Hà Nội.
Phía trong nhà thờ, hai hàng 12 cột chạy song song vừa là kết cấu chịu lực chính cho toàn bộ nhà thờ vừa khắc họa biểu tượng 12 vị thánh tông đồ của Giáo hội Công giáo. Gian cung thánh được xây dựng thành vòm bán nguyệt trên nền tảng khối tháp hình bát giác. Nằm ở trung tâm điểm của gian cung thánh, Bàn Lễ được khởi tạo từ khối đá tự nhiên khổng lồ, là nơi cử hành Bí tích Thánh thể của người Công giáo.
Nhà thờ Cửa Bắc là địa điểm lý tưởng không chỉ cho giáo dân sở tại mà còn của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tới thăm viếng hay tham dự các cử hàn phụng vụ. Cùng với vị trí đắc địa lại mang trong mình cùng kiến trúc độc đáo nhất nhì Hà Thành, Nhà thờ Cửa Bắc đã trở thành điểm thăm quan, hành hương không thể bỏ qua của các du khách mỗi lần đặt chân đến Hà Nội. Khi tham dự Hội Nghị APEC tại Việt Nam năm 2006, tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và phu nhân đã tới thăm và cầu nguyện tại nhà thờ Cửa Bắc.
PV
"http://vanhien.vn/news/nha-tho-cua-bac-noi-co-thap-chuong-doc-la-nhat-ha-thanh-77556"