thay-1639729896.jpg

Ai cũng nói nhìn thầy khắc khổ quá: cái dáng người gầy khô, lỏng khỏng như cây Bạch Dương trước gió, chiếc xe đạp Nam Hà cũ kĩ, cả chiếc cặp da màu be thầy chằng cẩn thận sau gác-ba-ga cũng cũ kĩ, rồi đến cuốn sách thầy cầm trên tay cũng ố vàng bao nhiêu vệt thời gian. Trên đầu thầy không lúc nào quên đội chiếc mũ nồi đen vừa vặn hờ trên mái tóc hoa râm. 

Thầy dạy tiếng  Nga, cũng là người duy nhất ở trường được cử đi du học ở xứ sở Bạch Dương ấy. Mỗi tiết học của thầy có cả một đất nước Nga xinh đẹp hiện về. Từ những con đường ngập tuyết trắng, những hàng Bạch Dương kiên cường, dẻo dai trong bão tuyết, những chiếc áo bông người dân Nga mặc mỗi độ đông về nặng hơn cái chăn bông của bà. 

Thầy kể về những con người Nga đôn hậu, mến khách, về những ngày tháng học tập vất vả mà đầy ý nghĩa ở nơi ấy. Thầy nhen nhóm trong tâm hồn những đứa trẻ giấc mơ được đặt chân đến nước Nga xa xôi,  giấc mơ được khám phá thế giới. Chúng tôi say sưa ngồi nghe thầy đọc sách tiếng Nga, thích thú phát âm theo những thanh âm giòn ngọt, êm ái ấy. 

Thầy nói " Học tiếng Nga phải như người luyện hát, mỗi tiếng đều phát ra từ lồng ngực, từ trái tim." Và thầy hát "Đôi bờ", "Ca chiu sa",  "Chiều Max-cơ-va"…Giọng thầy run run, từng câu hát không du dương như các cô trên vô tuyến nhưng nghe xúc động lắm. Mắt thầy sáng lên lấp lánh như mặt nước dòng Nêva mênh mông. Thầy yêu nước Nga bằng cả trái tim mình…

Chao ôi, nghĩ đến người thầy ấy, lòng chúng tôi lúc nào cũng rưng rưng xúc động bởi có cái gì đó thật bình yên, thật ấp áp lan tỏa trong tâm hồn mình. Ngay cả đến những kỉ niệm buồn xưa cũ cũng ngọt ngào, thấm thía.

Năm ấy chúng tôi bước vào kì thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa. Thằng Trung là ứng cử viên số một của đội tuyển học sinh giỏi tiếng Nga. Nhưng bài thi chọn đội tuyển của nó điểm thấp nhất. Nó cố tình không làm bài để không phải tham gia đội tuyển. Thầy bực lắm. Bao nhiêu hi vọng đặt cả vào nó, không hiểu sao nó lại thờ ơ và vô trách nhiệm thế. Thầy bước vào lớp với tập bài chấm. Vừa ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống , thầy đã gọi tên nó: 

- Trung, sao em làm bài điểm thấp thế này?

Thằng Trung giật mình đứng dậy, lớp đột nhiên im bặt, yên lặng đến đáng sợ. Chưa bao giờ thầy nóng giận như vậy. Mặt thầy đỏ bừng bừng, cái gân ở thái dương phình to, giọng thầy như lạc đi. Dường như thầy muốn nói nhiều lắm, nhưng rồi thầy thả tập bài thi xuống bàn và nhìn nó với ánh mắt chờ đợi một lời giải thích.

- Thưa thầy, em…Thằng Trung lí nhí.

Lại một hồi im lặng. Chúng tôi nín thở đón nhận cơn thịnh nộ của thầy.

- Tại sao em lại học hành sa sút vậy Trung? Các em có việc gì ngoài việc học chứ? 

Nó cúi gằm mặt, che giấu đi những giọt nước mắt đang lăn xuống. Thầy không nhìn thấy. Chỉ một vài chúng tôi nhìn thấy, chúng tôi muốn nói đỡ cho bạn nhưng sợ thầy, lại không dám hé răng. Cả lũ im như thóc lấm lét nhìn thầy.

Cả tiết học hôm đó buồn thiu, trong bài học thầy không nói về nước Nga xa xôi, thầy nói về những con người lao động vất vả, bấp bênh vì không được học hành tử tế. Thầy nói về những kẻ đua đòi, chểnh mảng việc học để rồi trở thành gánh nặng cho xã hội. Thằng Trung vẫn cúi gằm mặt xuống bàn, nó chẳng viết lách được gì… 

Sau hôm đó, thằng Trung nghỉ học. Tiết học của thầy càng buồn hơn. Thầy quyết định tìm hiểu về Trung. Nhiều lần thầy đã đi tìm Trung dọc con hẻm nhỏ nơi có căn nhà hiu quạnh lúc nào cũng đóng im ỉm. Rồi một tiết học khi giảng bài xong thầy ôn tồn trò chuyện với chúng tôi về Trung. Thầy đã học được ở Trung bài học quý giá về sự cảm thông, sẻ chia và nghị lực sống. Chúng tôi cũng thấm thía biết bao điều từ tiết học hôm đó khi nghe câu chuyện thầy kể.

Chiều hôm đó như mọi chiều, thầy đạp xe trên triền đê quen thuộc về nhà, thầy đã gặp thằng Trung khi nó đang gò mình đạp chiếc xích lô chất bao nhiêu là vật liệu, nào là xi măng, rồi lỉnh kỉnh những cây luồng to và dài, kẹp hai bên cái thân hình đang độ lớn của nó. Dường như nhận ra thầy từ xa, nó vội kéo nhanh chiếc mũ lưỡi chai che khuất mặt và tiếp tục guồng xe thật nhanh vượt lên đỉnh dốc. Thầy cũng mới nhận ra nó ở cái dáng cúi đầu hôm trước ở lớp. 

Thầy nghe như tim mình thắt lại, khí huyết dồn lên cay xè sống mũi, ầng ậng khóe mắt. Thầy sai rồi. Thằng Trung đâu chỉ có việc học, nó còn bao gánh nặng gia đình đè lên đôi vai còn non nớt của nó. Nó giấu không cho ai biết, không muốn ai thương hại cho hoàn cảnh của nó. (Chúng tôi cũng chẳng bao giờ dám đả động đến việc nói cho ai khác biết về những khó khăn nó đang gặp phải. Nó cũng không muốn chúng tôi đến nhà chơi). Với thầy lại càng không. Bởi vậy mà thầy cũng không biết gì về Trung ngoài việc nó học rất giỏi. 

Thằng Trung đã vượt qua con dốc, chiếc xích lô ì ạch lăn bánh qua trước mắt thầy bỏ lại phía sau âm thanh kẽo kẹt của chiếc xe cũ kĩ, tiếng những cây luồng quệt đất kêu sàn sạt và cả mùi ngai ngái của mồ hôi thấm áo. Thầy vẫn đứng đó, trên đỉnh dốc mà nghe ngột ngạt trong lồng ngực… Bất chợt, thầy thấy những bài học của mình xa xôi như nước Nga vậy. Chỉ có hiện thực trước mắt mới đong đầy cảm xúc. Thầy đưa chiếc khăn tay nhỏ rút từ túi áo ra lau khóe mắt, đôi bàn tay lòng khòng , run rẩy.

Chiếc xích lô của thằng Trung trở về con hẻm khi trời đã nhá nhem chẳng còn nhận rõ mặt người. Thầy đã đợi nó để men theo tiếng kẽo kẹt của những vòng quay uể oải, âm thầm theo nó về nhà. Đến ngõ, thầy dừng lại, thằng Trung sẽ không muốn gặp thầy trong hoàn cảnh này. Nó sẽ lại thu mình vào vỏ bọc và xa thầy hơn bởi nó là đứa có lòng tự trọng rất cao. Đứng từ xa nhìn vào căn nhà nửa tối nửa sáng, bóng thằng Trung đi ra đi vào tất bật. Nó vo gạo nấu cơm, sắm sửa chút đồ ăn gì đó vừa mua bên vệ đường. Hàng xóm xung quanh nói thằng Trung ở với bố, mà thầy lắng mãi không thấy ai. Căn phòng im ắng, chỉ có bước chân nó. Hóa ra mấy nay bố nó đổ bệnh nặng nằm liệt giường không có ai chăm sóc. Tất cả chỉ trông chờ vào bàn tay nó. 

Thầy thực sự xúc động khi hiểu rằng Trung đã phải nỗ lực thế nào để được đến trường, để học tập tốt như vậy.  Thầy đã chứng kiến Trung thu vén việc nhà, chăm sóc người bố bại liệt mà không cầm được nước mắt. Thầy ân hận vì những suy nghĩ thiển cận của mình. Thầy còn tưởng Trung giận thầy nên không đi học nữa. Thầy đã chọn một buổi thích hợp để gặp Trung và Trung đã cởi mở hơn với mọi người. Cậu học trò đáng trân trọng ấy đã giúp ông giáo già sắp về hưu hiểu thêm về những điều giản dị trong cuộc sống. Hạnh phúc của một đứa trẻ trong thước đo của người thầy là học hành tiến bộ, là điểm số, là thứ bậc. Nhưng thực ra, hạnh phúc với những đứa trẻ thiệt thòi là sau giờ học không phải lo thêm những gánh nặng gia đình nữa. 

Từ hôm đó, thầy yêu thương chúng tôi hơn, và chúng tôi cũng biết yêu thương nhau hơn. Chúng tôi phân công nhau đến giúp đỡ Trung việc nhà. Thỉnh thoảng thầy qua nhà Trung mang cho nó bó rau thầy trồng, khúc cá kho gói cẩn thận trong mấy lớp giấy... Trung thân thiện và tự tin hẳn lên. Cứ thế, thầy trò tôi cùng nhau đi hết ba năm học. Trung được tuyển thẳng vào trường Đại học An Ninh và giờ đã thành đạt. 

Thời gian lặng lẽ trôi giữa bao nhiêu bộn bề hối hả, khi hội ngộ lại là lúc đón tin dữ: Người thầy yêu kính của chúng tôi đã về với tiên tổ! Ngày đưa linh cữu thầy về đất, chúng tôi mang theo cây Bạch Dương nhỏ trồng trước mộ thầy. Hơn 20 năm trôi qua, chúng tôi vẫn còn hình dung rõ lắm hình ảnh thầy nghêu ngao hát trên bục giảng bài hát Ca-chiu-sa. Bất giác, thằng Trung bắt nhịp " Gửi về ai lời hát thiết tha từ xóm làng. Từ bờ sông gửi tới cánh chim đại bàng"… Cây Bạch Dương hát. Tất cả chúng tôi cũng đều hát lên lời ca sôi nổi ấy tiễn đưa thầy - Người thầy yêu kính của chúng tôi!