Không biết tự bao giờ, cây cau dường như đã hòa quyện với đời sống của bà con Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), hiện hữu trong từng câu chuyện, lời ca, tiếng hát và trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ chính sự gần gũi, hòa hợp tự nhiên đó, mà tục ăn trầu cau của bà con người Ca Dong nơi đây đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo.

Đến với thôn Sô Thák (xã Đăk Nên) để tìm hiểu về tập tục này, tôi được già làng A Brui niềm nở đón tiếp. Cũng như người dân ở các địa phương có tục ăn trầu cau, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sau khi chuẩn bị xong đĩa trầu cau mời khách, già A Brui cất giọng trầm đục, dần đưa tôi vào câu chuyện: Từ bao đời nay, người Ca Dong luôn xem cây cau như linh hồn của vùng đất này. Gắn bó với cây cau, chúng tôi nhận thấy loài cây này có rất nhiều công dụng. Tán cây cau che bóng mát, phần thân được dùng làm nhà, rễ cây có thể sử dụng làm củi đốt. Quả cau dùng để ăn với lá trầu, vôi. Tập tục này được truyền từ bao đời nay.

“Việc ăn trầu cau ở đây rất phổ biến. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, từ trẻ con, thanh niên, cho đến những người già trong thôn, ai cũng ăn trầu cau. Bởi người Ca Dong quan niệm, ăn trầu làm môi đỏ đẹp hơn, làm cho chúng ta gần gũi và cởi mở với nhau hơn. Cũng chính vì thế, đối với người Ca Dong, khi có khách đến nhà, họ thường mời dùng trầu cau. Đó không chỉ là phép lịch sự, mà còn thể hiện tình cảm, lòng mến khách của gia chủ” – già làng A Brui bộc bạch.

cay-cau-1657525065.jpg
Cây Cau gắn bó với đời sống bà con Ca Dong xã Đăk Nên. Ảnh: T.T

Một tác dụng khác của việc ăn trầu cau là giúp ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng. Ở đây, các cụ già dù đã trên 70 tuổi những răng vẫn rất chắc khỏe, lành lặn.  Bên cạnh đó, những người đã ăn trầu cau thường không hút thuốc lá, góp phần loại bỏ mối nguy bệnh tật do tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Cũng chính nhờ đặc điểm này mà tại thôn Sô Thák, hầu như không có ai nghiện thuốc lá.

Theo già A Brui, đối với người Ca Dong, vôi ăn kèm với trầu cau đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, bà con nơi đây thường tự chế biến vôi, thay vì mua từ nơi khác. Theo đó, việc làm vôi phải lựa chọn đúng nguyên liệu và tuân thủ đúng từng khâu, từng bước. Khác với người Kinh, ngày nay thường hay ăn trầu cau với vôi đá  nung chín, vôi của người Ca Dong được chế biến từ nguyên liệu vỏ ốc.

Để có vôi ăn trầu cau, khi đã gom đủ số lượng vỏ ốc cần thiết, người Ca Dong đem nung vỏ ốc trong lửa, đợi đến khi vỏ ốc chuyển từ màu đen sang màu trắng của tro mới đạt yêu cầu. Sau đó tiếp tục nghiền vỏ ra thành bột, hòa đúng tỷ lệ nước để cho ra vôi bột hoàn chỉnh. Vôi này được quét lên lá trầu, ăn cùng với quả cau, sẽ cho ra hương vị đậm đà nhất.

Việc ăn trầu cau không chỉ trở thành nếp trong sinh hoạt hàng ngày, trầu cau còn xuất hiện trong hầu hết các nghi thức lễ hội, như: đâm trâu, mừng lúa mới, tết khỉ, cúng nhà rông... của người Ca Dong ở đây. Trong tín ngưỡng của người dân,  miếng cau, lá trầu têm vôi là sản vật không thể thiếu để dâng lên Yàng (trời). Qua miếng trầu cau, người Ca Dong thể hiện lòng thành kính, cầu mong Yàng phù hộ cho người dân gặp những điều tốt lành (sức khỏe, mùa màng bội thu...). Đặc biệt, trong những ngày Tết, bất kỳ nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn một đĩa trầu cau, với mong muốn cầu tài lộc, vụ mùa bội thu trong năm mới.