
Nếu có thời gian đến với huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nơi người Mường chiếm đến 70% dân số, chắc hẳn bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng với những nếp nhà sàn theo kiểu truyền thống mà bà con dân tộc Mường đã gìn giữ trong gần 100 năm qua.
Nhà sàn - nơi lưu giữ tinh hoa, văn hóa của dân tộc
Thủa xa xưa, nơi sinh sống của người Mường vẫn còn là vùng rừng núi âm u, nhiều chim muông thú dữ.
Đối mặt với những mối đe dọa từ thiên nhiên, người Mường tại đây lựa chọn xây dựng nhà sàn với những cột cao an toàn để bảo vệ khỏi sự đe dọa của rắn rết, mãnh thú, đem lại cuộc sống bình yên. Nhà sàn trở thành nơi che chở, bảo vệ cho con người trước sức mạnh của thiên nhiên.
Không chỉ là nơi trú ẩn, nhà sàn còn là nơi gắn liền với đời sống tâm linh của người Mường, là nơi lưu giữ nhiều tập quán, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” cho đến hôm nay.
Trong ngôi nhà này, người Mường lưu giữ, tiếp nối, kế thừa những nét văn hóa ẩm thực truyền thống như rượu cần, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, thịt lợn muối chua, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi, cá nướng đồ, thịt trâu lá nồm, cơm lam, xôi các màu, măng đắng, rau rừng đồ, canh Loóng...
Đây cũng là nơi người Mường phát triển các nghề thủ công truyền thống như mộc, rèn, đan lát, dệt vải, góp phần vừa tăng sắc màu cho cuộc sống, vừa tăng phát triển kinh tế.
Nhà sàn của người Mường có cấu trúc 3 tầng. Tầng 1, dưới gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất, các phương tiện đi lại. Trước kia, gầm sàn là nơi làm chuồng gia súc, gia cầm nhưng ngày nay thì chuồng trại đã được đưa ra ngoài để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tầng 2 là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình và được quy định cụ thể, có sự phân bậc theo địa vị xã hội và thứ bậc của thành viên trong gia đình. Mọi phong tục, tập quán, ứng xử văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được lưu giữ ở đây. Đây chính là giá trị độc đáo của nhà sàn người Mường.
Còn lại tầng 3 là gác, nơi để thóc, lúa và những đồ vật quý hiếm, ngoài chủ nhà ra thì không ai được lên đó.
Thông thường nhà sàn Mường xưa được phân cấp theo địa vị, thứ bậc trong xã hội, thường có quy mô từ 3 đến 7 gian. Song, dù ở địa vị nào, thứ bậc nào thì nhà sàn truyền thống người Mường đều có đặc điểm chung là có cầu thang phụ. Theo quan niệm của người Mường, cầu thang phụ chỉ dành cho người trong nhà sử dụng; khách lạ cấm kỵ không được lên xuống.