Trong tín ngưỡng đa thần của đồng bào, các vị yang (các vị thần) trú ngụ khắp mọi nơi, cùng với rượu cần và cây nêu, cồng chiêng, ché là vật trung gian giao tiếp giữa con người với thần linh. Vì vậy, ché gắn bó chặt chẽ với đời sống, tín ngưỡng, tâm linh của người Ê Đê, từ các lễ nghi vòng đời (lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe, đám cưới, bỏ mả...) đến lễ nghi nông nghiệp (lễ cúng giống lúa, lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) hay các mối quan hệ xã hội không thể thiếu ché (lễ kết nghĩa anh em).
![]() |
Ngay khi có được ché mang về nhà, đồng bào còn có một nghi lễ hết sức thiêng liêng để chào đón một thành viên mới trong gia đình. Khi bán hay cho ché đi, người Ê Đê làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt. Nếu làm vỡ ché, phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché. Ché càng thiêng khi càng được cùng các gia đình, cộng đồng thực hành nhiều nghi lễ.
Thông qua các lễ nghi, với sự hiện diện của ché, đồng bào gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các yang che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, bắp, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, ché mang những gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật.
Thuở xa xưa, khi khả năng chế ngự thiên tai, trình độ khoa học kỹ thuật của con người còn thấp, giao thông khó khăn, phương tiện sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu, đây chính là cội nguồn sức mạnh để người Ê Đê lạc quan, tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào tương lai.
Những ước mong thuần hậu của chủ thể văn hóa, cư dân nông nghiệp nương rẫy vùng rừng núi Tây Nguyên xa xưa được gửi gắm vào những chiếc ché để kết nối cộng đồng, cùng nhau chăm lo sản xuất, cùng nhau giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất đai...