Theo truyền thống, trước khi làm lễ phát rẫy, người Brâu phải tổ chức rèn dao, rựa. Sau khi rèn xong dao, rựa phục vụ cho công việc phát rẫy, người Brâu bắt đầu chọn khu đất để làm lễ. Thường là người có uy tín trong cộng đồng sẽ dẫn dắt người dân trong làng vào khu vực phát rẫy để chia ranh giới cho các hộ gia đình.
Khi cúng, người Brâu mong cho thần linh phù hộ công việc phát rẫy được thuận lợi, hạt giống gieo xuống sẽ nảy mầm, phát triển tốt và không bị chim, chuột phá hoại để mùa màng bội thu. Lễ vật để cúng cũng rất đơn giản, chủ yếu là các vật phẩm sẵn có trong gia đình, đó là một con gà, ghè rượu và ít thuốc lá sợi.
Lò rèn truyền thống của người Brâu. Ảnh: P.N
Lễ phát rẫy là hoạt động truyền thống mang tính cộng đồng của người Brâu, vì vậy, trong quá trình đàn ông phát rẫy, phụ nữ chuẩn bị cơm lam để phục vụ cho người làm, qua đó cũng thể hiện sự no đủ trong cuộc sống. Cùng với đó, họ cùng nhau chơi đàn krông pút. Đây là loại nhạc cụ gồm 2 đến 5 ống lồ ô dài ngắn không đều, đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống và hát những làn điệu dân ca với mong ước một vụ mùa bội thu - bà Nàng Nhốt ở thôn Đăk Mế, người tham gia nấu cơm lam và hát dân ca tại lễ phát rẫy cho biết.
Các hộ dân sau khi được phân chia rẫy, phát rẫy và đánh dấu xong thì lấy một ít đất tại vị trí rẫy của mình gói bằng lá mang về chòi rẫy để làm lễ cúng rẫy. Sau làm lễ cúng phát rẫy xong thì đến tầm tháng 3 bắt đầu phát rẫy và đốt, đến đầu tháng 4 khi có những cơn mưa đầu mùa thì bắt đầu gieo trồng.
Với những nét văn hóa riêng, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân tộc Brâu đang phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ đã và đang cùng chung tay, góp sức xây dựng thôn Đăk Mế trở thành điểm du lịch cộng đồng trong tương lai gần.