Được sinh ra trong ngôi làng có truyền thống về văn hóa, nhất là về cồng chiêng, âm nhạc dân gian, nên tuổi thơ của nghệ nhân Y Thun được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân giỏi, từ đó hun đúc thêm niềm đam mê của bà với văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Y Thun cho biết, từ năm 13 tuổi bà đã được học múa xoang, rồi học thêm chiêng. Đến năm 16 tuổi, nghệ nhân Y Thun đã thành thạo các động tác đánh chiêng cơ bản và tự tay dệt vải may áo.
Từ khi còn nhỏ, để học nhanh, nhớ kỹ, mỗi dịp lễ hội, bà cùng bạn bè của mình chăm chú theo dõi các già làng trình diễn cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm; cuối buổi lại được các già làng gọi lại chỉ dạy và thực hành ngay tại chỗ. Cứ thế, theo thời gian, những kỹ năng dần hình thành một cách tự nhiên, không cần phải tổ chức lớp học như bây giờ.
Hiện tại nghệ nhân Y Thun là đội trưởng đội chiêng nữ của làng Đăk Rơ Chót. Theo nghệ nhân Y Thun, từ thời xa xưa, tại làng đã có một đội chiêng nữ nổi tiếng cả vùng, nhưng theo thời gian không có ai kế tục đã dần mai một. Đã một thời gian dài, đàn bà trong làng chỉ múa xoang trong đội chiêng, nhiều lần đi biểu diễn, chị em thấy đàn ông đánh chiêng nên rất thích, cũng muốn đánh chiêng. Năm 2003, được các già làng khuyến khích bà Y Thun đã vận động thành lập được đội chiêng nữ gồm 13 người. Vì được sự tín nhiệm của mọi người nên Y Thun giữ vị trí đội trưởng đội chiêng nữ và là trung tâm đoàn kết của toàn đội.
Ngoài đam mê đánh chiêng, nghệ nhân Y Thun còn biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi. Được mẹ truyền lại nghề truyền thống của gia đình, mỗi lần ngồi vào khung cửi, bà Y Thun như được sống lại với kỉ niệm ngày xưa, càng dệt càng hăng say và quên cả giờ giấc. Theo nghệ nhân Y Thun, bà dệt thổ cẩm không phải để bán mà chủ yếu để lưu giữ nghề cho con cháu, dệt áo quần cho chồng, cho con. Mặc dù luôn bận rộn với công việc ruộng rẫy, trông cháu nhưng mỗi khi có thời gian rảnh là bà lại miệt mài với khung cửi, xem đó là niềm vui hàng ngày.
Hiện nay, ngoài công việc của gia đình, mỗi khi trong làng có lễ hội gì, nghệ nhân Y Thun lại cùng các già làng, các nghệ nhân nam trong làng tổ chức các tiết mục. Đối với bà, đó vừa là niềm đam mê, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong cuộc sống hiện đại.