Trong tổng thể trang phục then, mũ then là một biểu tượng văn hóa khi tìm hiểu, khám phá về nó khiến cho người chiêm ngưỡng phải suy ngẫm. Tất cả những đường nét, hoa văn, màu sắc kết tinh sự khéo léo, tài hoa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng.

Mũ then có nhiều tên gọi như: “Mũ Sluông”, “mũ tướng”, “mũ vương mạng”, “mũ đồng cân”… Chiếc mũ then có hình dáng như hai mái nhà úp (tiếng Tày gọi là “ăn đình”) đội lên đầu. Ở Lạng Sơn, mũ then thường có hai kiểu là mũ sáp và mũ thêu. Trong tổng thể trang phục dùng trong nghi lễ then, chiếc mũ đóng vai trò quan trọng, tạo điểm nhấn và thể hiện uy lực của các thầy then khi hành lễ. Theo quan niệm, người thầy khi bắt đầu làm then sẽ được cấp cho chiếc mũ, đàn tính, chùm xóc nhạc để hành nghề và chỉ được sử dụng cho các kỳ lẩu then, đón tướng, các nghi lễ nhỏ không được phép dùng.
Màu sắc chủ đạo của mũ là màu đỏ, theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, màu đỏ tượng trưng của may mắn, bình an, tượng trưng cho sự linh thiêng của tín ngưỡng. Điểm khác biệt của mũ then Xứ Lạng so với các địa phương khác nằm ở họa tiết hoa văn trên mũ, tùy theo độ khéo tay của người làm và yêu cầu của từng dòng then nhưng phổ biến thường là tứ linh (long, lân, quy, phượng); Phật ngồi thuyết pháp; tiên đánh đàn; quân binh phi ngựa… Mặt sau của mũ then có gắn nhiều tua vải được kết nối từ rất nhiều mảnh ghép sặc sỡ với đủ ngũ sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng.
Những dải tua dài gắn sau mũ là dấu hiệu để phân biệt thứ bậc cao hay thấp của thầy then. 17 dải là số dây cao nhất của dòng then. Với thầy then, chiếc mũ có ý nghĩa quan trọng, là một trong những đồ vật thiêng giúp các thầy hành nghề, sau mỗi dịp lễ sử dụng đều được bọc vải đỏ cất lên cao.