Duyên nợ với nhạc cụ hơi truyền thống của người Mông
Sinh năm 1964, nghệ nhân Lý A Lệnh có gần 40 năm gắn bó với việc giữ gìn, bảo tồn những nhạc cụ hơi truyền thống của người Mông như sáo, đàn môi và nhất là cây Khèn. Với người Mông, đây là những nhạc cụ quen thuộc, đồng hành với mỗi người, với bản làng trong những ngày lễ hội và cả trong đời sống thường nhật. Từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên, âm thanh của những nhạc cụ này luôn có mặt. Đó là tiếng nói của tâm hồn phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời của chủ thể văn hóa. Đặc biệt, khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ và là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, hướng con người đến những khát vọng thuần hậu, vươn lên trước những khó khăn của cuộc sống.Vì vậy, mỗi con người nơi đây, khi đang nằm trong bụng mẹ đã được tiếp nhận những âm thanh của nhạc cụ hơi có từ xa xưa này.
Nghệ nhân Lý A Lệnh (ngồi) chế tác khèn và cây khèn và hướng dẫn diễn tấu khèn
tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Lý A Lệnh đã có niềm yêu thích với nhạc cụ hơi, đặc biệt với khèn. Tiếng khèn có sức hút đặc biệt, mê hoặc Lý A Lệnh khi cùng cha lên nương, xuống chợ phiên, tham dự những lễ hội của bản hay tiếng khèn gọi bạn… Cậu bé Lý A Lệnh khi đó thường lân la đến gần các anh, các bác có khèn để được ngắm nghía, tìm hiểu. Hiểu được niềm đam mê của con, bố mẹ của Lý A Lệnh đã bán một con trâu – tài sản lớn lúc đó của đình cho Lệnh học diễn tấu và làm khèn ở huyện khác.
Nhờ chịu khó học hỏi, luyện tập và lại nhanh ý cùng khả năng thẩm âm tinh tế bẩm sinh, Lệnh đã nắm bắt được những kỹ năng quan trọng của việc diễn tấu, chế tác khèn. Bước vào tuổi 20, Lý A Lệnh đã thuần thục và diễn tấu khèn giỏi nức tiếng khắp vùng đất Mường Ẳng. Theo thời gian, khả năng diễn tấu khèn của ông càng điêu luyện. Từ khèn, sáo và đàn môi, Lý A Lệnh cũng là người làm chủ các giai điệu, như một nghệ sỹ thực thụ.
Nghệ nhân Lý A Lệnh chia sẻ: Khèn của người Mông chơi không dễ, phải thổi thành làn điệu nên hơi phải dài, phải luyện khí tốt và vừa thổi, vừa phải nhảy múa với nhiều động tác khó. Ngoài động tác cơ bản là “vờn khèn”, “đi tiến, đi lùi” theo bốn hướng với sự di chuyển của mũi chân, gót chân còn phải khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn, thu hẹp dần theo những đường tròn đồng tâm, hình xoắn ốc. Những động tác khó, phức tạp “nhảy đưa chân”, “quay tại chỗ”, “quay đổi chỗ”, “lăn nghiêng”, “lăn ngửa”, “nhảy ngồi xổm”... khi biểu diễn. Vậy nên con trai Mông chơi khèn giỏi phải luyện tập từ bé để có sức khỏe tốt, dẻo dai và cả sự khéo léo, linh hoạt, mềm dẻo của cơ thể.
Ngoài chơi khèn giỏi, nghệ nhân Lý A Lệnh còn thành thạo diễn tấu các nhạc cụ hơi khác của người Mông như sáo, đàn môi.
Thành công để lan tỏa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Trong cộng đồng người Mông ở Mường Ẳng, nhắc đến nghệ nhân Lý A Lệnh là nhắc đến những giai thoại về khả năng diễn tấu khèn và các nhạc cụ hơi truyền thống của người Mông. Nghệ nhân Lý A Lệnh thường “khoe” tài năng của mình trong các hoạt động văn hóa khắp trong và ngoài xã, huyện, tỉnh nhà, Hà Nội... và đem về nhiều giải thưởng cao.
Nghệ nhân là người đã tích cực truyền dạy diễn tấu khèn, sáo, đàn môi, chế tác khèn tại nơi sinh sống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, nghệ nhân còn được mời giới thiệu với du khách trong và ngoài nước tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam về những giá trị này văn hóa quý giá này của người Mông.
Để có được một cây khèn chuẩn âm truyền thống của người Mông không phải là dễ dàng vì đòi hỏi sự am hiểu, tỉ mỉ, kinh nghiệm, sự chuẩn xác và nhất là phải có khả năng thẩm âm tốt. Nghệ nhân Lý A Lệnh cũng là người hiếm hoi ở Mường chế tác được những chiếc khèn đạt chuẩn âm thanh truyền thống.
Nghệ nhân Lý A Lệnh cho biết: Làm được khèn tốt, phải tốn nhiều công sức chọn lựa nguyên liệu cũng như chế tác. Bộ dụng cụ với các loại dao, đục, lưỡi bào tự tay làm ra, vì không ai bán. Hoàn thiện một chiếc khèn từ chuẩn bị nguyên liệu (gỗ làm bầu khèn, ống trúc, vỏ cây đào rừng... cắt theo kích thước và hong trên bếp; Phải nấu đồng rèn lam - làm sao để có độ mỏng yêu cầu) đến đoạn đẽo gọt, mài giũa các bộ phận, cắt ống khèn, dùi lỗ, lắp lá đồng và lắp ráp phải mất cả năm. Việc lắp ráp các bộ phận của cây khèn, thử và chỉnh sửa âm thanh, trang trí khèn và tạo phần chắc chắn cho cây khèn cũng đã mất 3 ngày làm liên tục. Đây cũng là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự tập trung lớn, tỉ mỉ, cẩn trọng và phải biết “nghe” âm thanh của khèn để chỉnh cho đúng.
Chia sẻ tại buổi lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian do Chủ tịch nước phong tặng vào ngày 11/7/2019, nghệ nhận tâm sự: Ðược Nhà nước ghi nhận những đóng góp của mình, tôi càng có thêm động lực và nguyện nỗ lực cùng với những nghệ nhân khác tích cực giữ gìn, bảo tồn và truyền bá nét đẹp văn hóa dân tộc của người Mông.
Theo Hoa Mộc Miên
"http://langvietonline.vn/54-Dan-Toc/153316/Nghe-nhan-danh-thuc-nhac-cu-hoi-o-Muong-Ang.html"