Lấy phôi mặt nạ từ khuôn

 

Ở các căn phòng nhỏ của ngôi nhà hai tầng nằm sâu trong ngõ 73 Hàng Than, Hà Nội chất đầy các loại phôi, mặt nạ giấy bồi đã được làm xong, xếp gọn gàng chuẩn bị được đưa ra thị trường. Phía bên ngoài, rất nhiều loại mặt nạ đang hoàn thiện các công đoạn, được đưa ra phơi nắng.

Nghệ nhân Đặng Hương Lan kể bà là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh chị em ở 162 phố Hàng Bột, Hà Nội (nay là phố Tôn Đức Thắng). Gia đình bà vốn đông anh chị em, mỗi năm đến dịp Tết Trung thu, cha bà thường tự tay làm những chiếc mặt nạ để cho các con vui chơi. Do khéo tay, nên những chiếc mặt nạ của ông làm rất đẹp. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn, các cụ làm thêm mặt nạ giấy bồi bán để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1979, bà lấy chồng về ngõ Hàng Than. Thấy con rể Nguyễn Văn Hòa khéo tay, lại cẩn thận, cha bà đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng. Cũng từ đó, vợ chồng ông bà vừa công tác, vừa làm thêm mặt nạ giấy bồi để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Theo bà Lan, trước đây mặt nạ chủ yếu vẽ hình các con vật trên giấy bìa. Sau đó, hai vợ chồng bà nghiên cứu, sáng tạo khuôn đúc để tạo hình mặt nạ giấy bồi đẹp hơn. Thời gian đầu, gia đình chỉ có khoảng 10 khuôn mặt nạ, đến nay gia đình nghệ nhân Hòa - Lan đã có gần 30 khuôn mặt nạ khác nhau như ông Địa, thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ, báo, khỉ… Ngoài ra, ông bà còn làm thêm một số mặt nạ hiện đại đáp ứng những sở thích của trẻ em.

Phơi phôi mặt nạ

 

Chứng kiến vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan tỉ mỉ, cẩn trọng thực hiện từng công đoạn, chi tiết nhỏ mới hiểu được sự say mê, tâm huyết của vợ chồng nghệ nhân gửi gắm vào trong những chiếc mặt nạ giấy bồi. Nghệ nhân Đặng Hương Lan cho hay, để chuẩn bị hàng Tết Trung thu, ông bà làm. Những hôm thời tiết đẹp, có nắng, hai ông bà tranh thủ làm miệt mài, càng gần đến Tết Trung thu công việc càng tất bật. Để có được một chiếc mặt nạ, trước hết cần có một khuôn đúc bằng xi măng. Sau đó, xé từng mảnh giấy nhỏ, lớp sau được dán chồng lên lớp trước, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận để mặt nạ căng, mịn, không bị nhăn. Sau khi bồi khoảng từ 5-6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mặt nạ được phơi khô dưới nắng để có độ cứng cáp chứ không được dùng máy sấy, vì sẽ làm cong và biến dạng. Cuối cùng là công đoạn tô sơn, từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ. Mỗi mùa Tết Trung thu, vợ chồng ông Hòa bà Lan làm được trên dưới 3.000 chiếc mặt nạ các loại, giá dao động từ 30.000đồng 45.000đồng/1 chiếc.

Làm sản phẩm mặt nạ giấy bồi

 

Nghệ nhân Đặng Hương Lan cho biết, bên cạnh việc trực tiếp tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi ấn tượng, độc đáo vào dịp Tết Trung thu, gia đình bà còn là địa chỉ văn hóa giúp du khách và các em học sinh khám phá, trải nghiệm nghề làm mặt nạ giấy bồi. Nhiều du khách quốc tế khi đến Hà Nội rất thích thú khi được nghe giới thiệu, hướng dẫn và trực tiếp tự tay làm mặt nạ giấy bồi. Sau đó, được mang về làm kỷ niệm từ chính sản phẩm do mình tạo ra. “Do điều kiện không gian của gia đình còn chật hẹp, nhân sự cũng chỉ có 2 người trực tiếp làm và giới thiệu sản phẩm nên mỗi đoàn khách đến, chúng tôi chỉ đón từ 10-15 người, mức phí khách Việt Nam 200.000 đồng/khách; khách quốc tế 300.000 đồng/khách, trong khoảng thời gian từ 1,5h đến 2h. Ngoài làm, giới thiệu sản phẩm măt nạ giấy bồi tại gia đình vào dịp Tết Trung thu, chúng tôi còn có bán, giới thiệu sản phẩm mặt nạ giấy bồi truyền thống tại số 81 Hàng Lược và trực tiếp tham gia giới thiệu, trình diễn các công đoạn tạo nên một chiếc mặt nạ giấy bồi cho du khách, đặc biệt là các cháu học sinh tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”, nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ.

Các loại mặt nạ giấy bồi

 

“Nghề làm mặt nạ giấy bồi như một cái nghiệp. Khởi đầu, do cuộc sống khó khăn, làm mặt nạ cũng mong có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho con ăn học. Trải qua thời gian, con cái đã trưởng thành, có công việc ổn định, nhưng có lẽ vì cái duyên, vì tình yêu những chiếc mặt nạ giấy bồi mà chúng tôi vẫn luôn gắn bó với nghề. Dù nhà không rộng rãi, nhưng vào mỗi dịp Tết Trung thu, nơi đây luôn nhộn nhịp người đến mua, đến xem, xin đến học làm mặt nạ… Thậm chí, có những người đến chỉ để cảm ơn vì đã cố gắng giữ được nghề truyền thống. Đó chính là nguồn động lực khiến chúng tôi duy trì tình yêu nghề. Chúng tôi luôn sẵn sàng dành thời gian còn lại cho ai muốn học và theo nghề làm mặt nạ giấy bồi với mong muốn giữ lại nét văn hóa truyền thống của đất kinh kỳ cho các thế hệ mai sau…”, bà Lan tâm sự. 

Theo Tuấn Sơn

"http://baodulich.net.vn/Nguoi-gop-phan-giu-hon-Tet-Trung-thu-15-24167.html"