Tạm gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống, đều đặn một tuần 2 buổi các thành viên Đội chèo thành phố Bắc Ninh lại gặp nhau tại nhà văn hóa khu phố. Không chỉ gặp nhau ca những làn điệu chèo sâu lắng, họ còn trò chuyện, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm nuôi dạy con, cháu trong gia đình. Hơn 40 năm quen tiếng trống chèo, ông Nguyễn Xuân Tràng, 75 tuổi, Phó Chủ nhiệm Đội chèo phụ trách về nhạc cụ giọng vẫn khỏe, dài hơi khi ca vài câu trong vở chèo “Chị Dậu”: “Cụ ơi lòng thương nghĩa xóm tình làng/Thương nhau những lúc cơ hàn cụ ơi/Con ơn cụ thương tình con trẻ/Xóm làng luôn chia sẻ/nhớ công ơn tình nghĩa xóm làng/Củ khoai bát cháo nhớ càng công ơn… Ông Tràng là thành viên cao tuổi nhất trong đội, cũng là người đánh trống chèo lão luyện nhất, tiếng trống chèo khi thì thúc giục thành viên, khi lại như nâng đỡ người diễn. Ông Tràng bộc bạch: Tôi thuộc hơn 200 làn điệu chèo, để đánh được trống chèo chuẩn trước hết phải thuộc các làn điệu, chiếc trống là quan trọng nhất trong dàn nhạc của chèo, giúp người hát được chuẩn, đúng phách nhịp. Qua lời ca của chèo giúp con người thêm yêu quê hương, đất nước, sống nghĩa tình, thủy chung.

Một tiết mục tập luyện của Đội chèo thành phố Bắc Ninh


Thời hiện đại, giữa cả rừng nghệ thuật, đáng mừng, Đội chèo thành phố Bắc Ninh vẫn hoạt động, tạo sân chơi cho những người yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đội thành lập tháng 3-2019, thuộc CLB Hát chèo Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh. Ban đầu có 10 thành viên, đến nay là gần 30 người, tuổi từ 46 đến 75. Mỗi thành viên có công việc và cuộc sống khác nhau, song có điểm chung là có niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo. Ngày nắng cũng như mưa, đều đặn buổi tối thứ Ba và Chủ nhật hàng tuần, các thành viên tập hợp tại nhà văn hóa khu phố Nguyễn Trãi để cất lên những làn điệu chèo. Từ những làn điệu chèo cổ: Lới lơ, đào liễu, đò đưa, luyện năm cung… đến các trích đoạn trong các vở chèo cổ: “Trương Viên”; “Tấm Cám”; “Phạm Công Cúc Hoa”… đều được các thành viên tập luyện nhuần nhuyễn. Ngoài tập các làn điệu chèo cổ, Đội còn tập các làn điệu chèo mới với chủ đề về mừng Đảng-mừng xuân, hát về Tổ quốc hôm nay, vui ngày bầu cử… mang hơi thở đương đại, đưa chèo đến gần hơn với công chúng. Say mê với chèo nên chèo dần ngấm vào máu thịt, chỉ cần có lời mời biểu diễn là họ có thể sẵn sàng mà không phải tập luyện nhiều. Hằng năm, Đội diễn tại các hội nghị, các ngày lễ, kỷ niệm, chào mừng các sự kiện của thành phố Bắc Ninh và được các địa phương trong, ngoài tỉnh mời diễn ở các lễ hội chùa.

Bà Nguyễn Thị Thái, 65 tuổi, thành viên Đội, chia sẻ: Tôi tham gia hát chèo từ khi 18 tuổi, ngày ấy là đội chèo của làng Diềm. Chèo ngày nay cũng bớt đi nhiều khán giả, bởi người dân có nhiều thú vui giải trí khác, nhất là giới trẻ, song tình yêu trong tôi không vơi cạn. Càng nghe chèo, hát chèo, tôi càng thấy ngấm, bởi làn điệu, câu ca khi cất lên đi vào lòng người, nó thấm đẫm tình yêu cuộc sống, lao động, yêu quê hương, đất nước…

Tham gia Đội chèo, không phải thành viên nào cũng biết hát chèo và thuộc nhiều làn điệu ngay từ ban đầu, khi vào ngôi nhà chung này sẽ được người biết hướng dẫn người không biết, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, dần dần cùng nhau truyền niềm đam mê. Đội nêu cao tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức về chèo, vì thế, ngoài những buổi được Chủ nhiệm CLB Hát chèo Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh đến truyền dạy, các thành viên còn tự học qua các nghệ nhân trên mạng. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên tập luyện và chỉnh sửa, uốn nắn cho nhau để lời ca được sâu lắng, mượt mà.

Bà Phạm Thị Quế, Chủ nhiệm Đội chèo thành phố Bắc Ninh cho biết: Cùng với việc sinh hoạt đều đặn, Đội có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và có hướng kết nạp thêm thành viên trẻ. Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của Đội gặp không ít khó khăn, nhạc cụ thiếu thốn, các diễn viên, nhạc công chưa từng được đào tạo nên khả năng ca hát, biểu diễn hạn chế. Song, với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên không ngừng cố gắng vươn lên để trau dồi kiến thức, kỹ năng hát chèo vừa thỏa niềm đam mê vừa phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân.

Điều trăn trở của Đội chèo thành phố Bắc Ninh là thiếu thế hệ trẻ kế cận, đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay. Mong muốn của Đội là được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, để tiếng hát chèo vẫn luôn có chỗ đứng trong cuộc sống hôm nay.

Theo Minh Hường

"http://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/tieng-cheo-trong-long-pho-thi"