Cổng đền Đuông được xây khang trang

 

Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng Ban quản lí di tích đền Đuông, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Bồ Sao lại là cựu chiến binh, từng là bộ đội thông tin tham gia chiến trường Tây Nguyên, chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhà ngay cạnh đền, dáng người tầm thước, trông nhanh nhẹn, tính tình sởi lởi, cùng cán bộ văn hóa xã Bồ Sao hướng dẫn chúng tôi đi thăm đền, ông nói rõ rành: Đền Đuông là di tích gắn liền với nhân vật truyền thuyết lịch sử Đông Hải Long Vương. Theo các tư liệu và các cụ cao niên truyền lại, Đông Hải Long Vương là con thứ 25 trong số 100 người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Truyền thuyết kể lại rằng: Đông Hải Long Vương được Hùng Vương giao cho cai quản cả vùng Bồ Sao, trị thuỷ sông Hồng, thu nạp dân phiêu tán vì lũ lụt về khai phá, lập ấp, giữ yên tĩnh cho các làng chạ suốt vùng châu thổ, từ ngã ba Hạc ra tới cửa biển. Các triều đại phong kiến sau này đều sắc phong cho ngài là “Đông Hải Long Vương tế thế chi thần ”.

Ba pho tượng cổ còn lưu giữ đến ngày nay

 

Trước đây, làng Bồ Sao nằm ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi gặp gỡ của 3 con sông lớn: Sông Thao, Sông Lô, Sông Đà, ngày đó chưa có đê bảo vệ. Một năm xảy ra nạn đại hồng thủy, Vua Hùng sai hai con là Định Giang Quan và Đông Hải Quan đi trị thuỷ giúp dân. Sau khi trị thuỷ xong, Vua Hùng phong tước cho Đông Hải Quan là Đông Hải Quan Lang, đóng bản doanh tại làng Bồ Sao để chăm lo đời sống nhân dân. Còn Định Giang Quan ở lại đất Diệm Xuân. Nói về công lao to lớn của Đông Hải Quan Lang nhân dân làng Bồ Sao đã ghi nhận và lưu truyền trong dân gian như:

                        “Lạc hồng ân tứ dân địch cát,

                         Bị hận trạch vạn vật hàn thanh.”

Tạm dịch:          “Nhờ ơn lớn bốn dân được tốt,

                         Chịu ơn dày vạn vật đều thông”

16 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn được dịch ra và trưng bày tại đền

 

Trong thời gian ở đây, vợ của ngài đã  sinh hạ được một người con gái vào ngày 15 tháng 5 năm Giáp Tuất, đời Hùng Quốc Vương, đặt tên là Thục Nương, huý là Mục sau gọi là Mục Trinh công chúa. Sau thời gian trị vì vùng này ông được gọi về đô thành, làm vua được 3 năm thì hoá vào ngày 12 tháng 3 dưới triều Quốc Vương cùng với Bách Vương. Ngày 12 tháng 9, Hoàng hậu và công chúa cùng hoá ở làng Bồ Sao.

Để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ tại nơi Ngài đóng bản doanh. Các triều đại đều sắc phong ông là “Đông Hải Long Vương tế thế chi thần”. Đền trải qua nhiều năm thờ cúng, được suy tôn là “Nam Quốc linh từ” tức “Đền thiêng nước Nam”. Và lấy ngày 12-15/5 (âm lịch) hàng năm tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức như rước kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò chơi dân gian.

Lư hương cổ trong đền

 

Đi vào trong đền là những cây cổ thụ quanh năm xanh mát bao quang đền, đặc biệt 2 cây đại và cây mộc lan có niên đại hàng trăm năm. Diện tích đền khoảng 5000 m2, có bố cục mặt bằng chính đền theo kiểu “Tiền chữ Khẩu, hậu chữ Công”, bao gồm: Tiền tế, Lầu trống (dạng nhà vuông), hai dãy Hành lang, Đền chính (bao gồm ba dãy nhà nhỏ liên kết với nhau thành hình chữ Công), phía ngoài có hai Tả - Hữu mạc, cổng đền (cổng Nội và cổng Ngoại). Với bố cục như vậy, đền Đuông là một công trình có quy mô lớn và tạo ra sự hòa hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của Vĩnh Tường.

Hai cây đại có niên đại hàng trăm năm

 

Đền Đuông có kiến trúc hình chữ Công. Hai toà tiền đường và hậu cung được nối với nhau bằng ống muống. Toàn bộ công trình gần 48 cột, hình chum, phình ở giữa và thuôn hai đầu. Các cột đều kê trên đá tảng xanh, chia làm 4 hàng vững chắc. Các kèo làm lối kẻ chuyền, bào trơn đóng bén. Thượng lương đặt trên giá chiêng, ống muống có cấu trúc hai tầng mái kiểu chồng diềm mỗi cạnh 6m nổi lên thành lầu chuông, lầu trống. Mái của đền được lợp bằng ngói mũi hài, mái xoè rộng uốn cong mềm mại ở các góc. Các góc mái có các đầu đao, mỗi đầu đao được đắp hình rồng, đường nét tinh xảo, kiến trúc của đền chủ yếu mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.

Đền Đuông được xếp hạng di tích lịch văn hóa cấp Quốc gia năm 1993

 

Hiện nay, di tích lưu giữ một số pho tượng thờ có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: tượng thánh Bạch Hạc (tức Đông Hải Long vương), vợ, con và bộ hạ của thánh. Có thể nói, trải qua thời gian lịch sử, các tượng thờ này luôn mang giá trị phổ quát cao và mang tinh thần nhân văn, ý nghĩa tâm linh cao cả. Hiện ở Hậu cung của đền Đuông cón lưu giữ 03 pho tượng chân dung, đó là: Đức thánh Bạch Hạc, Cung phi nhân Hoàng bà (vợ thánh), Mục sinh nhân Công chúa (con thánh). Ba pho tượng này được đặt trong một khám thờ bằng khung kính có kích thước lớn. Ngoài 3 pho tượng quý còn có nhiều cổ vật và quần thể tượng võ sĩ, nô tì được làm bằng đất nung, sơn son thếp vàng rất tinh xảo, các đồ thờ cúng có từ thời Nguyễn vẫn giữ được nguyên vẹn như: đỉnh đồng, đèn đồng, sập thờ, đài nến, ngai thờ, kiệu, các bức hoành phi, câu đối. Đặc biệt đền còn lưu giữ lại được ngọc phả và 16 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê (Lê Cảnh Hưng sắc phong lần thứ nhất) đến thời Nguyễn.

Phóng viên Văn hiến (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng Trưởng ban QLDT đền Đuông
 - Nguyễn Văn Thành dưới tán cây đại hàng trăm tuổi

 

Với những giá trị phong phú cả về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, đền Đuông là nơi hội tụ những tâm thức dân gian, phản ánh những ước vọng ngàn đời về một cuộc sống thanh bình, no đủ, hạnh phúc. Và là biểu tượng về khả năng trị thuỷ sông Hồng của nhân dân Vĩnh Phúc. Đấy cũng là điểm du lịch tâm linh lý tưởng cho du khách xa gần khi đến với Vĩnh Phúc nói chung và Vĩnh Tường nói riêng.

Theo vanhien.vn

"http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-den-duong-vinh-tuong-%E2%80%93-diem-du-lich-tam-linh-van-hoa-77892"